Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT



Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Việt ngữ, lịch sử, văn hóa >> Năm cô gái đẹp và lời nguyền trên hoang đảo(ST)

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 goldsnow142
 member

 ID 51857
 05/10/2009



Năm cô gái đẹp và lời nguyền trên hoang đảo(ST)
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien

Hòn Nồm là một trong 21 hòn đảo của quần đảo Nam Du (thuộc ấp An Cư xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Nơi đây có một gia đình kỳ lạ sống cách ly với thiên hạ. Gia đình này có năm cô gái đẹp đã thề sống trọn cuộc đời trên đảo.

Từ hòn Củ Tron (hòn Lớn) tôi thuê đò sang hòn Nồm. Trời nắng chang chang, hơi nước biển bốc lên nực nội khó chịu, ai cũng mồ hôi nhễ nhại, vậy mà anh lái xuồng máy lại trao cho khách chiếc áo mưa, anh nói sóng dập dữ lắm, không mặc ướt hết mình mẩy bây giờ.

Ghe máy chạy chừng 20 phút, những con sóng bạc đầu ào ạt trước mạn thuyền, trước mặt tôi là ba hòn đảo xanh rì chập trùng trước mắt, hỏi ra mới biết đó là ba hòn Nồm, gồm hòn Nồm Ngoài, hòn Nồm Giữa và hòn Nồm Trong.

Ghe máy từ từ cập vào Hòn Nồm Giữa, đây là một hòn đảo hoang sơ, nằm tách biệt hoàn toàn giữa biển cả và núi rừng. Trên hòn Nồm chỉ có duy nhất một ngôi nhà nằm khuất giữa các lùm cây sát mé ghềnh. Chủ nhân ngôi nhà, ông Vương Ngọc Ánh (thường gọi Sáu Ánh) 63 tuổi, đã nửa thế kỷ nương náu giữa đảo hoang này.

Nhìn ông Sáu Ánh không ai nghĩ ông là ngư phủ quen sóng gió. Khuôn mặt thật hiền, dáng người nho nhã trông như nhà giáo. Chúng tôi được gia đình ông tiếp đón niềm nở, chân tình.

Họ chỉ biết cầu xin thần biển đừng nổi giận vì họ - những người con gái “cưỡi sóng” giữa biển khơi (phong tục cổ cấm con gái ra biển). Đời họ thuộc về biển, từ 8 đến 14 tuổi, các cô đã biết lặn sâu 6 – 7 sải nước, chị em cùng nhau đi bủa lưới quàng bắt cá đuối, cá nhám, cá giồng, bủa lưới quanh gạn bắt cá xanh xương. Đây là món quà biển tặng cho những người con gái hòn Nồm. Họ mạnh mẽ cả thể xác lẫn tinh thần.
Gia đình ông Sáu Ánh tam đại đồng đường, 26 người đầy đủ cha con dâu rể, cháu nội, cháu ngoại sum họp quây quần dưới chân hòn Nồm. Ông Sáu lết đi từng bước trên đôi chân bị tật, đưa chúng tôi ra thắp nhang nơi an nghỉ cuối cùng của hai ông bà chúa đảo Vương Văn Kiều. Ông thổ lộ rằng: Để con cháu có ngày hôm nay, cha mẹ ngày xưa cực khổ quá chừng. Rồi ông đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ ông sáng tác:

Ngắm xem mồ mả mẹ cha
Nghìn thu yên giấc xót xa
trong lòng
Nhớ xưa cha mẹ dày công
Khai sơn lập nghiệp hòn Nồm
đảo hoang


Tiền nhân nơi hoang đảo

Năm 1960, ông Vương Văn Kiều cùng vợ và con trai Sáu Ánh đến hoang đảo này khai sơn lập địa. Cuộc sống thật cơ cực. Sau khi che tạm căn lều, cha con ông ban đêm đi câu cá, thẻ mực bằng ghe buồm (một cách bắt mực; một đường thẻ có 7 đến 9 bông, khoảng 2 mét lại rải một thẻ chìm cách mặt nước 2-3 cm, người điều khiển lái qua lái lại thẻ bông để mực bám vào). Ban ngày, ông Vương Văn Kiều đốn cây khai hoang lập vườn, dụng cụ hồi đó chỉ là cây búa cùi, còn vợ ông mò ốc, đục hào quanh ghềnh đá. Nhiều tháng liền không có hột gạo phải ăn rau ăn cá trừ bữa, may ra một hai tháng mới có ghe đến đổi cá khô, mực khô, gia đình ông Kiều mới có gạo và một số thức ăn trên đất liền, tạm sống lây lất qua ngày.

Ông Sáu Ánh kể: “Buồn nhất là những ngày Tết, ba mẹ và tôi trơ trọi giữa biển giữa rừng, trong nhà không có trà, bánh, không rượu, không người thân. Nghĩ mà thương cho ba tôi, thèm trà, ông ra ghềnh hái lá bàng vàng đốt lửa than lên nướng có mùi thơm nấu nước uống đỡ buồn. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, cả gia đình khao khát được gặp người, gặp bà con...

Thế rồi những cái Tết lẻ loi, cô quạnh cũng qua đi, cuộc sống gia đình bập bềnh theo con sóng, cứ mỗi buổi chiều ông Sáu theo cha ra biển, công việc đầu tiên là thả neo xuống, đốt đèn khí đá lên chiếu ánh sáng xuống biển. Ông Kiều giữ thăng bằng ghe, còn Sáu Ánh giật bông thẻ. Mực thấy ánh sáng trắng bu lại mỗi bông thẻ 2, 3 con, chỉ cần nhanh tay lấy vợt xúc lên.

Dõi mắt về phía xa, ông Sáu lần theo hồi ức: “Trên biển, ba tôi hút thuốc lá, phải dùng bật lửa dầu, bấc là cả cục gòn to tướng để dễ bắt lửa, khó khăn lắm mới mồi được điếu thuốc giữa bốn bề gió lộng. Ông vừa ngậm điếu thuốc, thì con mực xịt nước đen giữa mặt làm điếu thuốc trên môi ông cũng tắt ngấm”.

Sinh sôi

Năm 1967, Sáu Ánh 20 tuổi gặp cô gái Võ Thị Huông ở Đồng Tháp đến hòn Ngang làm mướn. Hai người bén duyên chồng vợ. Miếng đất ở hòn Nồm cũng đã thành hình, trong vườn hơn 200 cây dừa lên cao vừa chắn gió vừa cho nước uống. Lúc này, ông Vương Văn Kiều không những trồng mít, xoài, khoai mì, bắp, đậu xanh quanh nhà mà còn trồng lúa. Đó là giống lúa “nàng cum” trồng tháng 4 đến tháng 10 thu hoạch, mỗi công được chừng 10 giạ. Gia đình ông gói ghém cũng tạm đủ gạo ăn qua ngày.

Rồi nơi hoang đảo có sự đổi thay lớn, có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ con, một thế hệ mới ra đời làm cho căn nhà ấm cúng hơn. Vợ chồng Sáu Ánh càng hăng say lao động. Từ đó đến năm 1982, bà Sáu Huông tiếp tục sinh 5 người con gái. Con gái đầu lòng là Vương Thị Hồng Thắm 7 tuổi đã theo cha đi bủa lưới quàng.

Cũng trong năm đó, ông Vương Văn Kiều già yếu, suy kiệt. Trong phút lâm chung, ông gọi tất cả con cháu lại. Ông muốn tất cả phải hứa với ông: “Không được bỏ mảnh đất suốt cả cuộc đời ông đã chan mồ hôi, nước mắt. Phải thương yêu đùm bọc cùng nhau sống mãi trên đất này”.

Lời nguyền trên đảo

Những người cháu gái xinh đẹp nghe lời trăng trối của ông nội Vương Văn Kiều đã ký thác cuộc đời mình với sóng bạc đầu, với tiếng ve rừng, tiếng gọi gà xa vắng… mà không bỏ đảo vào đất liền.

Gia đình đông người, phải tranh đấu với biển để kiếm ăn, năm cô con gái sinh ra ở đảo biển đều có thân thể khỏe mạnh, cao ráo, xinh đẹp với nước da màu đồng mặn mòi. Buồn một nỗi là các cô chẳng được học hành, vì vừa lớn lên đã theo cha đi ra biển bủa lưới, giăng câu. Họ đi biển không cần máy móc định vị. Đời sống ở hòn, ở bãi đã dạy cho họ biết nhìn mây, nhìn gió, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn nước để đoán thời tiết: mây đen đóng cục là trời sắp mưa, mây thổi xé gió nhìn biết gió từ cấp 5 trở lên, mây nằm gió thổi mạnh là có giông. Sao Bắc Đẩu ở phía bắc, sao Chữ Thập (sao Đồng Cân) ở phía Nam. Nhìn sao nhấp nháy, thế nào 1 - 2 hôm trời cũng xuống gió, sao trôi êm là trời êm, gió nhẹ. Mặt trăng quầng vàng trời nắng, quầng đen trời mưa. Riêng về biển, trời đang êm cho xuồng đậu ngay bãi rạn, âm thanh nổ rắc rắc phát ra từ lòng biển là trời sắp sửa thổi gió mạnh. Còn lặn xuống động san hô, nghe tiếng động rắc rắc thì chắc chắn một vài hôm biển động. Họ bảo đó là “ý biển”.

Năm người con gái ngày đêm lặn hụp với biển, họ thuộc lòng từng bãi gạn, bãi trũng. Họ bình thản chạy máy giữa biển lúc gió cấp 5, cấp 6; Biết sửa máy khi máy có sự cố. Còn nhu cầu làm đẹp họ không nghĩ đến, chẳng có ai láng giềng tại đảo hoang mà khen ngợi. Cô gái thứ năm tên Ngọc Loan vui vẻ nói: “Người ta ví một người con gái ở hòn còn hơn ba người đàn ông ở bãi”.

Cuộc sống ở đảo hoang Hòn Nồm đều đặn trôi. Gia đình ông Sáu Ánh ngày càng phát triển, bà sinh thêm bốn người con, ba trai và một gái.

Vào năm 1987, bỗng một ngày, sóng gió đổ ập vào gia đình, ông Sáu Ánh đi lặn mò điệp, mò ngọc nữ quá sâu bị nước ép, đi cấp cứu ở bệnh viện may cứu được nhưng trở về để lại di chứng: ông bị viêm tủy cột sống, chân liệt. Từ đó, mấy chị em gái phải đứng ra cáng đáng mọi công việc, họ vừa đi đánh cá vừa làm vườn ruộng.

Bắt rể

Những ngư phủ có dịp qua đảo đều cho rằng đây là một gia đình kỳ lạ, con gái đẹp không chịu gả vào đất liền cho sướng tấm thân (?!). Có nhiều đám con nhà giàu, có học, có nghề nghiệp đến xin cưới các cô vào đất liền đều bị từ chối. Nhà gái không đòi bạc vàng, của cải mà chỉ có một điều kiện duy nhất là xin “bắt rể”. Khó như thế nhưng lần lượt năm cô gái đều có chồng. Chồng của các cô đều là ngư phủ, họ chấp nhận đến ở cùng gia đình nhà gái.

Tháng 11/2007 là những đêm dài nhất của các cô, họ không thể nào quên cơn bão số 5 kinh hoàng. May mà chồng con họ đều sống sót trở về như một phép lạ. Năm người con đầu của ông Sáu Ánh đã giữ đúng lời nguyền, không rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Riêng cô gái Ngọc Nhuận sinh sau đẻ muộn, đã lấy chồng hiện là bác sĩ ở trong đất liền.

Quần đảo Nam Du giờ đây đã thay da đổi thịt, rất đông người đến đây lập nghiệp sinh sống, có những hòn dân số tăng gấp ngàn lần như hòn Ngang, hòn Mấu, hòn Lớn (Củ Tron). Nơi đây ngày một sầm uất, dưới biển giăng mắc hàng trăm lồng bè nuôi cá bóp, cá mú. Trên bờ nhà cửa xây cất san sát khang trang, tàu thuyền ra vào tấp nập, ánh điện rực rỡ làng chài. Riêng hòn Nồm vẫn âm thầm leo lét ánh đèn dầu trong những đêm dài, như từ thời “chúa đảo” Vương Văn Kiều đến khai phá từ năm chục năm qua.

Tùng Huyên



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 cakhia
 member

 REF: 446774
 05/10/2009

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai

đọc chuyện thời nay mà nghe cứ như là cổ tích...

không biết hòn đảo đó của ai? của "chúa đảo" vì đã có công khai phá? hay của nhà nước?

thử tưởng tượng, một ngày nào đó, người ta phát hiện ra hòn đảo có "tiềm năng du lịch"..., rồi ký hợp đồng...rồi san bằng đảo...rồi xây khách sạn...rồi ...thế là xong, chấm dứt một câu chuyện đẹp.


 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network